6 bước kiểm tra khi mua laptop
Thứ năm, 06/19/2008, 08:48am (GMT+7)
Thứ năm, 06/19/2008, 08:48am (GMT+7)
Để không mua nhầm máy laptop cũ được tân trang, thay đổi linh kiện..., ngoài việc chọn cửa hàng uy tín, các bạn còn nên thực hiện những bước kiểm tra hết sức cần thiết được nêu trong bài viết này. |
Ngày nay, chiếc máy laptop đã không còn là một thứ xa xỉ đối với mọi người, kể cả các bạn trẻ. Chỉ cần số tiền từ 600 - 1.000 USD là bạn đã có thể sở hữu được một chiếc máy tính vừa túi tiền khá đầy đủ các chức năng cho việc học tập cũng như giải trí. Thế nhưng để chọn cho mình một chiếc máy tính xách tay hoàn hảo thì không phải là chuyện dễ, đặc biệt là những người đi mua lần đầu tiên. Các phương tiện truyền thông đã có cảnh báo về hiện tượng một số nhà phân phối chính hãng chuyên nhập khẩu hàng cũ, hàng đã qua sử dụng, hàng đã bị “tân trang”, thậm chí hàng đã bị “luộc” và sau đó quảng cáo là hàng mới để bán giá cao kiếm lời. Hầu hết các nhà sản xuất nổi tiếng như HP, Acer, Dell, Nec, Toshiba, IBM... luôn lưu ý khách hàng bằng những dòng chữ tiếng Anh có nội dung “Nếu niêm phong thùng hàng bị bóc, khách hàng nên kiểm tra thật kỹ lưỡng hàng hóa trước khi thanh toán” in trên tờ niêm phong của thùng hàng. Thậm chí một số trường hợp nhà sản xuất còn đưa ra cảnh báo mạnh mẽ hơn ví dụ như “If seal was broken, 10% cash off” (nếu niêm phong bị rách vì bất cứ lý do gì thì hãy đề nghị người bán giảm ít nhất 10% giá trị hàng hóa). Không chỉ có vậy, một số nhà sản xuất còn niêm phong vô cùng chắc chắn (niêm phong cả thùng máy và nylon bao ngoài máy) nhằm bảo đảm niêm phong mở một lần thì sẽ bị hỏng, không có khả năng khôi phục. Vì vậy, khi mua máy tính bạn cần thực hiện thật kỹ càng 6 bước kiểm tra sau đây: 1. Yêu cầu người bán cam kết cấu hình phải còn nguyên bản (có nghĩa là còn nguyên bản của nhà sản xuất). 2. Kiểm tra niêm phong thùng hàng xem có còn nguyên vẹn không. Nếu hàng không còn niêm phong vì bất cứ lý do gì thì có tới 95% khả năng là máy cũ. Trường hợp niêm phong đã bị bóc, bạn nên kiểm tra thật kỹ trước khi thanh toán. 3. Kiểm tra các thông tin in ngoài thùng: Đối với Toshiba, HP, IBM kiểm tra model máy, part number, số serial, made in... Nếu niêm phong thùng máy bị bóc thì nhất thiết niêm phong dán bên ngoài túi nylon bọc máy phải còn, còn nếu niêm phong này cũng đã bị bóc thì tới 99% là máy tân trang. Đối với Sony Vaio kiểm tra model máy, made in..., cấu hình chính... Đối với Dell kiểm tra số service tag, ngày sản xuất, nơi sản xuất... Yêu cầu các thông tin này phải trùng khớp với thông tin ghi sau máy. 4. Yêu cầu người bán in cho một bản mã số máy, mã số linh kiện của hàng hóa định mua trực tiếp trên web site của nhà sản xuất. Điều này vô cùng quan trọng, nếu vì bất kỳ lý do gì người bán không tiết lộ điều này, chắc chắn đến 99% là hàng kém chất lượng. Sau bước này bạn sẽ có một bản danh mục linh kiện phụ tùng để kiểm tra. 5. Đối chiếu mã hiệu số hiệu của máy, của bộ nạp điện, pin, ổ DVD, RAM, ổ HDD... với mã hiệu, số hiệu của chính linh kiện đó được liệt kê trong bảng danh mục ở bước 4. Nếu có bất kỳ mã hiệu, ký hiệu nào không khớp, có khả năng hàng đã bị thay thế, sửa đổi, chất lượng không còn nguyên bản của nhà sản xuất. 6. So sánh giá cả sản phẩm, giá cả dịch vụ... Nếu giá của sản phẩm quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường thì bạn nên đánh giá độ tin cậy của nhà cung cấp, kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng hàng hóa để đảm bảo không mua phải hàng nhái, hàng cũ làm lại, hàng bị “luộc”, hàng tân trang... Đặc biệt đối với những đồ khuyến mãi người bán có nêu trị giá thì cần phải xem xét cho thật kỹ lưỡng xem giá trị thực của mặt hàng khuyến mãi đó trên thị trường trị giá bao nhiêu, người bán có đồng ý trừ đúng lượng tiền trong trường hợp nếu bạn không muốn lấy khuyến mãi hay không (trường hợp khuyến mãi là của hãng thì thường không ghi giá trị)... Nguồn: http://benhvienmaytinh.com.vn |