Những
lầm tưởng về luyện tập thể thao
Tập thể dục để giảm cân, những người có bầu không được chơi
thể thao hay tập thể dục giúp “làm sạch” phổi cho những người hút thuốc lá… Và
còn rất nhiều những lầm tưởng khác về luyện tập thể thao.
Ảnh minh hoạ
1. Luyện tập thao để giảm cân
Rất nhiều người có suy nghĩ rằng tập thể dục sẽ giúp giảm cân nhưng thực tế lại
không phải như vậy. Thông thường, mỗi ngày chúng ta chỉ tiêu tốn 15-20% lượng
calo cho các hoạt động liên quan đến thể thao. Vì vậy, nếu chỉ tăng cường luyện
tập thì sự thay đổi về lượng calo đốt cháy là không đáng kể.
Để giảm cân hiệu quả đòi hỏi sự cân bằng giữa lượng calo tích trữ và lượng calo
đốt cháy. Do đó cần phải có sự kết hợp giữa luyện tập thể dục và thay đổi chế
độ ăn uống.
2. Ngừng chơi thể thao không gây tăng cân
Những vận động viên chuyên nghiệp hoặc những người có cường độ luyện tập mạnh
thường đốt cháy từ 2.000-5.000 calo mỗi ngày. Họ cần có một chế độ ăn giàu chất
dinh dưỡng thì mới cung cấp đủ năng lượng cho việc luyện tập. Khi ngừng thi đấu
hoặc luyện tập, lượng calo bị đốt cháy giảm đi rõ rệt trong khi chế độ ăn uống
thường không thay đổi nhiều. Không hiếm trường hợp các vận động viên tăng tới 5
kg sau khi ngừng luyện tập. Vì vậy, lúc này cần chú ý tới khẩu phần ăn sao cho
phù hợp với năng lượng tiêu thụ.
3. Thể thao giúp “làm sạch” phổi
Không một môn thể thao nào có thể tẩy sạch chất gudron (hắc ín) tích tụ ở phổi
của những người hút thuốc lá. Cảm giác hít thở nhiều khí trời khi luyện tập thể
thao thực tế không có tác dụng gì đối với các vết đen ở phổi. Cách duy nhất đó
là ngừng hút thuốc.
4. Chơi bóng rổ để cao hơn
Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh rằng chơi bóng rổ có tác động tới sự phát
triển chiều cao của trẻ. Đúng là những vận động viên bóng rổ thường có chiều
cao vượt trội nhưng đó phần lớn là do gene chứ không phải vì luyện tập nhiều.
5. Thai phụ không nên tập thể thao
Nhiều người cho rằng luyện tập thể thao khi “bầu bí” có thể làm động thai hoặc
sẩy thai, điều đó không đúng. Đúng là trong giai đoạn này nên tránh các môn thể
thao có cường độ mạnh nhưng bạn vẫn có thể luyện tập đi bộ, bơi… Hoạt động thể
chất trong thời kỳ này thậm chí còn có lợi vì nó tăng cường hoạt động tim,
khuyến khích tuần hoàn máu và hạn chế các biến chứng tĩnh mạch.
6. Tập tốt hơn là chẳng tập gì
Đúng là các hoạt động thể chất như đi bộ, bơi lội, cầu lông… có lợi cho cơ thể.
Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ điều kiện nào cũng có thể luyện tập. Một
trận đá bóng với cường độ mạnh sau một thời gian dài không luyện tập không
những không có lợi mà còn có thể gây hại cho hệ cơ thậm chí hệ tim mạch. Vì
vậy, thể thao chỉ thật sự có lợi khi nó phù hợp với sức khoẻ và nhịp độ sinh
học của cơ thể.
7. Tập luyện nhiều có thể gây căng thẳng, stress
Nếu luyện tập với cường độ vừa phải, thể thao là một phương pháp tốt để ngăn
chặn và giải toả stress. Nguyên nhân của stress là do sự tăng tỉ lệ chất
ađrênalin trong máu. Khi tập trung vào việc luyện tập, bạn sẽ giải toả được cảm
giác khó chịu. Ngoài ra chất endorphin do não tiết ra sẽ tạo cho bạn cảm giác
khoan khoái, yêu đời hơn.
Theo: BACSI.com