Công nghệ biến trứng gà "tàu" thành trứng gà ta
Có rất nhiều hộ trong làng Đông Ngàn tham gia “hô biến” trứng gà Trung
Quốc thành trứng gà ta. Mỗi ngày có tới cả triệu quả trứng “gà ta” từ
ngôi làng ven đô này được tuồn vào thị trường Hà Nội để tiêu thụ.
Cả làng không ai dám ăn trứng gà
Nằm ven đê sông Đuống
(chính xác hơn là ngã ba sông Đuống và sông Hồng), làng Đông Ngàn (xã
Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cách trung tâm thành phố chỉ chừng
hơn chục km. Vẻ bề ngoài ngôi làng cũng như bao miền quê khác của đồng
bằng Bắc bộ, êm ả và tĩnh lặng.
Nhưng ở đằng sau cái
vẻ bề ngoài tĩnh lặng ấy là cả một guồng máy nhộn nhịp với công nghệ
“hô biến” trứng gà Trung Quốc thành trứng gà ta mà không nơi nào có thể
bì kịp. Theo một số thợ tẩy trứng, có rất nhiều hộ trong làng tham gia
tẩy trứng. Mà không chỉ rộ lên vài năm gần đây như báo chí đưa tin,
thực tế nghề này đã có ở làng Đông Ngàn từ hơn… chục năm.
Trong vai một cặp vợ
chồng về làng mua đất, chúng tôi lang thang “xâm nhập” vào từng con ngõ
trong làng để tìm hiểu cái công nghệ kinh dị này. Khác với hình dung
ban đầu của chúng tôi, trong làng không hề có mùi axít bốc lên nồng
nặc, cũng không dễ tìm thấy những vỏ trứng rơi vãi trên đường làng,
cống rãnh… điều ấy cho thấy người làng rất kín đáo khi tẩy trứng, họ
hiểu rõ tác hại và sự vi phạm khi làm công việc này.
Đến khu vực cửa khẩu
(lối đi từ trong làng ra bờ đê) có mấy quán hàng tạp hóa lèo tèo và mấy
hàng thực phẩm nhỏ. Chúng tôi để ý chỉ có một số trứng vịt được bầy
bán, tuyệt nhiên không có trứng gà, người làng hiểu quá rõ về cái gọi
là trứng gà ta nên không ai ăn.
Cả triệu trứng vào-ra làng mỗi ngày
Đang đứng ở cửa khẩu
thì một chiếc xe ôtô tải loại 2,5 tấn đột ngột rẽ vào. Nhác thấy thùng
xe chở đầy trứng, chúng tôi vội bám theo. Chiếc xe chạy sâu vào trong
làng, đến một ngôi nhà mái ngói 3 gian có khoảng sân rộng thì dừng lại.
Không biết từ đâu,
rất nhiều xe máy xuất hiện, nhanh chóng tham gia dỡ trứng xuống. Mỗi vỉ
trứng có 30 quả, các vỉ lại được xếp chồng lên nhau cho dễ vận chuyển.
Thật tài tình, nhiều chiếc xe máy chở trứng còn cao hơn đầu người lái,
phóng qua phóng lại trong các con ngõ nhỏ. Tất cả số trứng gà trên xe
ôtô đều là trứng gà Trung Quốc với màu nâu xỉn đặc trưng.
Theo những thông tin
chúng tôi có được, đều đặn mỗi ngày (cả ngày và đêm) có từ 10-15 chuyến
xe tải như thế này chở trứng gà Trung Quốc về làng. Mỗi chiếc xe tải
chở 10 vạn trứng, nghĩa là có khoảng 1-1,5 triệu trứng về làng/ngày. Đó
là còn chưa tính đến một lượng đáng kể xe máy cũng tham gia vận chuyển
trứng vào-ra. Và rồi, cũng ngần ấy trứng sau các công đoạn tẩy rửa, hô
biến thành trứng gà ta lại được chở ra khỏi làng, đưa sang thị trường
Hà Nội tiêu thụ.
H- một thợ tẩy trứng
giấu tên tiết lộ cho chúng tôi hay: Trứng gà Trung Quốc là loại trứng
chất lượng không cao. Con gà mẹ bị cho ăn loại thức ăn công nghiệp thúc
đẻ 2 lần/ngày. Về đến làng, loại trứng này có giá thành khoảng 1.000
đồng/quả; tuy nhiên chỉ cần tẩy trắng thành trứng gà ta thì giá tăng
gấp đôi: 2.000 đồng/quả.
“Cả Hà Nội này giờ đố
ai tìm được trứng gà ta thật đấy”, H. quả quyết, “Tất cả từ các chợ cho
đến nhà hàng, siêu thị đều là trứng gà Tàu hết. Chính chúng em đóng gói
nilon rồi đem nhập cho họ mà (?). Tính hết chi phí từ thức ăn chuẩn rồi
đến chuồng trại… thì một quả trứng gà ta “xịn” phải có giá từ 3.800-
4.000 đồng, lấy đâu ra cái giá 2.000 đồng/quả”.
Tẩy trứng hay đầu độc người tiêu dùng?
Chất dùng để “hô
biến” màu quả trứng đang từ nâu xỉn thành trắng be cho giống trứng gà
ta là axít clo-hydríc, được người làng mua về từ khu vực Đức Giang (Gia
Lâm, Hà Nội). Họ hòa với nước lã theo tỉ lệ nhất định, làm cho cả chậu
dung dịch phồng bọt lên như giặt quần áo, rồi ngâm trứng gà Trung Quốc
vào. Vài phút sau, từng quả trứng được lấy ra rồi dùng tay lau nhẹ, lau
đến đâu thì như có phép thần kỳ đến đấy, cứ trắng nõn nà dần ra.
Trứng trước khi cho vào chậu...
... ngâm 1 lúc rồi bắt đầu lau...
... để vào sọt 1 loại trứng được gọi là trứng gà ta
Rất đơn giản, chỉ cần
vài cái chậu và một khoảnh sân bể nhỏ, từng hộ gia đình trong làng đều
có thể tham gia tẩy trắng trứng. “Chiều tối trứng về làng, ra nhận rồi
mang về nhà tẩy. Tùy theo nhu cầu bạn hàng, mỗi hộ có thể tẩy từ 1.000
quả cho đến cả vạn quả/ngày”, H cho hay.
Quay trở lại vấn đề
vì sao người làng Đông Ngàn không ăn trứng gà- đơn giản vì họ biết chất
axít dùng để tẩy trứng kia quá độc. Những chiếc khẩu trang của người
ngồi tẩy trứng, thường sau một buổi làm thì đã cứng cả ra vì hơi axít
bốc lên. Mùi của loại axít này hơi chua chua, ngai ngái rất dễ đau đầu.
Nếu chẳng may đánh đổ ra sân (dù là đã pha loãng với nước lã để ngâm
trứng) thì ngay lập tức khoảng sân ấy sẽ sùi bọt lên như bị ngâm ôxy
già vậy.
Dưới sự ăn mòn của
a-xít, vỏ quả trứng tẩy xong sẽ mỏng đi thấy rõ. Liệu a-xít có thẩm
thấu vào trong quả trứng hay không thì chưa rõ, song chỉ cần cầm lên
ngược sáng mà nhìn có thể thấy cả lòng đỏ phía trong, khi đập ra chảo
thì độ nhớt bám vỏ gần như không có.
Rõ ràng, mua nguyên
quả trứng gà Trung Quốc về ăn còn vừa rẻ vừa an toàn hơn loại “trứng gà
ta” ngâm a-xít này. Còn nếu để thực sự an toàn thì chỉ có nuôi gà đẻ
trong nhà mà thôi.
Được sửa bởi Chuối Kute™ ngày 13/10/09, 11:08 pm; sửa lần 1.